Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CÂY TRE TRĂM MẮT “KHẮC NHẬP KHẮC XUẤT”

Ngày xưa, có một ông già nhà quê có một cô gái đẹp. Trong nhà phải thuê một đầy tớ trai, ông ta muốn lợi dụng nó làm việc khỏi trả tiền, mới bảo nó rằng: "Mày chịu khó làm ăn với tao rồi tao gả con gái cho". Người ở mừng lắm, ra sức làm lụng tới khuya không nề hà mệt nhọc. Nó giúp việc được ba năm, nhà ông ta mỗi ngày một giàu có.

Ông nhà giàu không còn nghĩ đến lời hứa cũ nữa, đem con gái gả cho con một nhà phú hộ khác ở trong làng. Sáng hôm sắp đưa dâu, ông chủ gọi đứa ở lên lừa nó một lần nữa, bảo rằng: "Bây giờ mày lên rừng tìm cho ra một cây tre một trăm mắt đem về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mày lấy con gái tao ngay".

Đứa ở tưởng thật, vác dao đi rừng. Nó kiếm khắp nơi, hết rừng này qua rừng nọ, không tìm đâu thấy có cây tre đủ trăm mắt. Buồn khổ quá, nó ngồi một chỗ ôm mặt khóc. Bỗng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc hiện ra bảo nó: "Tại sao con khóc, hãy nói ta nghe, ta sẽ giúp cho". Nó bèn đem đầu đuôi câu chuyện ông phú hộ hứa gả con gái cho mà kể lại. Ông lão nghe xong, mới bảo rằng: "Con đi chặt đếm đủ trăm cái mắt tre rồi đem lại đây ta bảo". 

Nó làm theo y lời dặn, ông dạy nó đọc: "Khắc nhập, khắc nhập" (vào ngay, vào ngay) đủ ba lần, thì một trăm khúc tre tự nhiên dính lại với nhau thành một cây trẻ đủ một trăm mắt. Nó mừng quá, định vác về, nhưng cây tre dài quá, vướng không đi được. Ông lão bảo nó đọc: "Khắc xuất, khắc xuất" (ra ngay, ra ngay) đúng ba lần thì cây tre trăm mắt lại rời ra ngay từng khúc.

Nó bèn bó cả lại mà gánh về nhà. Đến nơi thấy hai họ đang ăn uống vui vẻ, sắp đến lúc rước dâu, nó mới hay là ông chủ đã lừa nó đem gả con gái cho người ta rồi. Nó không nói gì, đợi lúc nhà trai đốt pháo cưới, bèn đem một trăm khúc tre xếp dài dưới đất, rồi lẩm bẩm đọc: "Khắc nhập, khắc nhập" cho liền lại thành một cây tre trăm mắt, đoạn gọi ông chủ đến bảo là đã tìm ra được, và đòi gả con gái cho nó. Ông chủ lấy làm lạ cầm cây tre lên xem, nó đọc luôn: "Khắc nhập, khắc nhập", thì ông ta bị dính liền ngay vào cây tre, không làm sao gỡ ra được. Ông thông gia thấy vậy chạy đến, định gỡ cho, nó lại đọc luôn: "Khắc nhập, khắc nhập", thì cả ông cũng bị dính theo luôn, không lôi ra được nữa.

Hai họ thấy thế không còn ai dám lại gần nó nữa. Còn hai ông kia không còn biết làm thế nào đành van lạy xin nó thả ra cho. Ông chủ hứa gả con gái cho nó, ông thông gia xin về nhà ngay, nó để cho cả hai thề một hồi rồi nó mới đọc: "Khắc xuất, khắc xuất" thì hai ông rời ngay cây tre, và cây tre cũng rời ra trăm khúc.

Mọi người đều lấy làm khiếp phục đứa ở, ông chủ vội gả con gái cho nó, và từ đó không còn dám khinh thường nó nữa.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

TẠI SAO TRONG DÂN GIAN ĂN TRẦU THƯỜNG NGẮT ĐUÔI LÁ TRẦU??!!


Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng kết tình thông gia nhưng chưa nói cho con mình biết.

Vì quá yêu nhau, hằng đêm cô thiếu nữ lén mở cửa phòng rước cậu trai vào tình tự. mãi đến gà gáy hừng đông, cậu trai mới ra về. Cứ như vậy ngày này qua tháng kia.

Buổi nọ, trước khi về, cậu trai ao ước được ăn một miếng trầu. Nhìn trong khay thấy hết trầu, cô thiếu nữ liền chạy ra vườn hái lá đem vô, têm vôi, mời chàng. Dè đâu miếng trầu nhai chưa dập chàng nọ ngã lăn, trào đờm rồi chết. Hoảng hốt nàng tri hô lên. Quan chạy lại khám xét tử thi, thấy nhiều đốm đỏ loang khắp mình.

Thế là cô nọ bị bắt giam để xét hỏi vì tội bỏ thuốc độc giết người. Cô cứ một mực kêu oan. Cuộc tra tấn kéo dài, lần lần cô trở nên ốm o gầy mòn, gần chết trong ngục.

May sao, có ông quan Án đi qua. Quan Án hỏi cô:
- Đầu đuôi tự sự như thế nào? Mi phải khai rõ.
Cô nọ nói sự thật. Nghe xong, vị quan suy nghĩ, gật đầu. Ông đi ra ngoài vườn xem từng lá trầu trên nọc. Ông chú ý: mấy lá ở sát gốc đều dính một chất gì nhớt ngay chót đuôi lá, giống như là con ốc, con sên bò qua nhả nước miếng.

Nhưng không thấy con ốc, con sên nào cả!
Ông quá tức trí, ra lệnh đào dưới đất, ngay nọc trầu đào thật sâu, bỗng nghe tiếng khò khè. Rõ ràng là con thuồng luồng nằm khoanh trong hang. Dân chúng chạy tứ tán.

Ông quan nói:
- Con thuồng luồng này hàng đêm lén bò lên mặt đất để kiếm nước uống. Vì quá khát nước, nó phải liếm mấy giọt sương đọng ở chót đuôi mấy lá trầu gần mặt đất. Nọc con thuồng luồng dính lại trên lá nên giết người. Cô gái này bị hàm oan.

Chòm xóm nhìn nhận lời vị quan nọ là chí lý, tài trí như Bao Công thuở trước. Từ đó về sau, trước khi têm trầu, ai nấy đều ngắt chót đuôi lá vì sợ nọc con thuồng luồng. Bây giờ, giống thuồng luồng không còn nữa nhưng thói quen của con người hãy còn...
 

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Chuyện cổ tích Con Chuột và con Mèo, “lí của nhân gian tại sao chuột ăn thóc, mèo diệt chuột và hay nằm ngủ trong bếp”



Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phẳi là một loài đáng tin cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúạ 

Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để săi giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian. 

Nhưng chứng nào tật ây, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu than rằng: 

"Chuột kia xưa ở nơi nào ? 
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?" 

Người lấy làm chua sót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng: 
- Chuột này vốn chuột ở của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ? 

Trời nói: 
- Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy. 
Vua Bếp tâu: 
- Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: luá của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải. 

Trời nghe tâu phán rằng: 
- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữạ Thôi bây giờ có mộ cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: "Nghèo, nghèo, nghèo", thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi. 
Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột va đem cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dậy mà làm. 
Thành tự bấy giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ "gầm gừ, gầm gừ" và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: "nghèo, nghèo, nghèo, nghèo"... 

Nhưng lúc ấy, mèo hồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp mèo để phóng uế.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH THẠCH SANH LÝ THÔNG, CÂU CHUYỆN CÁI THIỆN VÀ CHÂN LÝ LUÔN THẮNG, CÁI ÁC GẶP QUẢ BÁO



Ngày xưa ở Quận Cao Bình có vợ chồng Bác tiền phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con. Vợ chồng ngày đêm lo buồn, càng ra sức làm việc nghĩa, như khơi cống, đào mương, đắp đường, vét giếng, cùng lo nấu nước giúp cho người qua đường uống, để mong trời trông lại mà cho một mụn con. Quả nhiên, về sau Thạch Bà thụ thai, nhưng ba năm chưa đẻ. Giữa lúc đó, Thạch Ông mất, Thạch Bà sinh hạ một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh. Sau đó mấy năm, Thạch Bà cũng mất, Thạch Sanh từ đó sống côi cút trong một túp lều dưới gốc đa, chỉ có một cái khố che thân và một cái búa đốn củi. Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên xuống dạy chàng đủ các môn võ nghệ, mọi phép thần thông. 

Một hôm, có anh hàng rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đó ghé lại nghỉ chân. Thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lại mồ côi, có thể lợi dụng được, bèn kết nghĩa làm anh em, rồi đưa Thạch Sanh về nhà. 

Bấy giờ có một con trăn tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân mấy lần vây đánh nhưng nó nhiều phép thần thông, nên không ai làm gì được; nhà vua đành truyền lập miếu thờ, và cứ hàng năm phải nộp cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải đi nộp mình. Mẹ con nghe tin, hoảng hốt, bàn định mưu kế đưa Thạch Sanh đi chết thay. Chiều hôm đó Thạch Sanh đi đốn củi về thì Lý Thông đãi rượu, rồi bảo: 

-"Hôm nay có việc quan trọng, triều đình cắt phiên cho anh đi canh miếu thờ, ngặt vì anh trót cất mẻ rượu, sợ hỏng việc ở nhà; mong em chịu khó đi thay anh một đêm." Thạch Sanh không nghi ngờ gì cả, thuận đi ngay. 
Nửa đêm, giữa khu rừng, bỗng gió thổi cây rung, không khí lạnh buốt, Trăn tinh hiện ra, giơ vuốt nhe nanh, hà hơi tóe lửa, sấn đến định ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh, hoá phép đánh nhau với Trăn tinh, hồi lâu thì yêu quái bị giết chết, hoá ra một con trăn lớn. Thạch Sanh chặt lấy đầu mang về. Ðến nhà thì hết canh ba. Thạch Sanh gọi cửa, mẹ con Lý Thông ngỡ là hồn Thạch Sanh hiện về báo oán, ở trong nhà mẹ con cứ lạy lục, khấn vái mãi. Thạch Sanh mới rõ dã tâm của hai người cố tình đưa mình đến chỗ chết, nhưng Sanh tánh hiền lành, không giận, vui vẻ kể chuyện giết trăn cho mẹ con Lý Thông nghe. Lý Thông nghe xong, nảy ra một mưu thâm độc. Nó dọa Thạch Sanh rằng Trăn tinh là của nhà vua nuôi xưa nay, bây giờ giết đi, tất thế nào cũng bị tội chết. Rồi khuyên Thạch Sanh trốn đi, để hắn ở nhà kiếm cách thu xếp trở về thôn cũ ở gốc đa. Còn Lý Thông thì đêm ngày trẩy kinh, tâu vua đã trừ được Trăn tinh và hắn được Vua phong chức đô đốc.


Bấy giờ công chúa con vua muốn kén phò mã, bảng yết khắp dân gian, điệp gửi cùng các nước, nhưng không chọn được ai vừa ý. Một hôm công chúa đi dạo vườn hoa, bỗng con yêu tinh Ðại bàng sà xuống cắp đi mất. Tình cờ đại bàng bay ngang trên cây đa có Thạch Sanh đang ngồi thẫn thờ dưới gốc cây. Thạch Sanh thấy vậy, liền gương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Nhưng đại bàng rút tên ra rồi tiếp tục bay đi, Thạch Sanh lần theo vết máu đỏ, thấy đại bàng chui vào một cái hang rất kiên cố. Chàng đánh dấu lối vào hang và trở về. 

Khi nghe tin công chúa bị yêu quái cắp đi mất tích nhà vua đau lòng xót ruột, truyền cho lý Thông đi tìm, hứa tìm được sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Lý Thông vừa mừng vừa lo, bèn lập mưu mở hội hát xướng trong mười ngày, sức cho nhân dân đến xem mục đích để dò hỏi nghe ngóng tin tức. Tám chín ngày đã qua, mà không nghe ai nói một lời gì về chuyện đại bàng bắt người cả. Tin Lý Thông mở hội hát xướng đồn đến tai Thạch Sanh, chàng lần về thăm, gặp Thạch Sanh, Lý Thông tỏ mối lo không tìm được công chúa. Thạch Sanh thật thà mà kể lại về việc bắn trúng cánh chim. Lý Thông mừng lắm, lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường, mang lính đến nơi sào huyệt của yêu quái. Thạch Sanh tình nguyện xuống hang tìm công chúa hộ bạn. Quả nhiên gặp công chúa ở đó, Thạch Sanh bèn lấy thuốc mê, bảo công chúa đưa cho đại bàng uống. Ðoạn Thạch Sanh buộc công chúa vào dây, ra hiệu cho Lý Thông ở ngoài hang kéo lên. Xong chàng sửa soạn lên theo, nhưng Lý Thông đã ra lệnh cho quân lính lấp kín hang lại mất rồi. Giữa lúc đó thì đại bàng tỉnh lại. Thấy mất công chúa, hắn nổi giận lôi đình gầm lên, vách đá ầm ầm rung chuyển. Nhưng Thạch Sanh hoá phép đánh nhau với nó, cuối cùng đại bàng bị giết chết, Thạch Sanh mò tìm lối ra, đi đến một nơi, chàng thấy có một cũi sắt trong giam một người con trai. Thì ra đó là thái tử con vua Thủy Tề, bị đại bàng giam đã ngót một năm. Thạch Sanh lấy cung vàng bắn tan cũi sắt, cứu thái tử ra. Thái tử mời Thạch Sanh về thủy cung để vua cha được đền ơn. Vua Thủy Tề mừng lắm, tặng Thạch Sanh vô số vàng bạc châu báu, nhưng chàng đều từ chối không nhận, chỉ nhận lấy một cây đàn. Xong rồi từ giã vua và thái tử, lên trần gian, về chốn cũ ở gốc đa. 
Bấy giờ hồn Trăn tinh và Ðại bàng, khổ sở đói khát, đi thang lang, thất thểu, tình cờ gặp nhau, bèn bàn định mưu kế trả thù Thạch Sanh. Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm ngọc ngà châu báu, rồi mang về để ở gốc đa, chỗ của Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục. 

Nói về công chúa, từ khi lên khỏi hang, chờ Thạch Sanh lên. Thấy Lý Thông đã lấp mất cửa hang, uất ức lên mà hóa câm. Khi trở về cung, ai hỏi gì nàng cũng không nói. Vua buồn rầu sai Lý Thông lập đàn cầu nguyện, nhưng đàn lập đã một tháng mà công chúa vẫn không nói được. Kịp đến cho Thạch Sanh bị bắt giao cho Lý Thông xét sử, thì Lý Thông bèn định tâm giết đi cho khỏi lo ngại về sau. Ngồi trong ngục. Thạch Sanh buồn tình lấy đàn ra gẩy, Không ngờ cây đàn ấy lại là đàn thần. Gẩy đến đâu đàn kể lể đến đó, nó kể rõ đầu đuôi câu chuyện, nó tố cáo tội ác của Lý Thông, nó oán trách sự hờ hững của công chúa. Nó kêu lên, nó rền rĩ, ngân nga trong cung này đến cung nọ. Công chúa ngồi trên lầu, nghe tiếng đàn bỗng reo mừng, cười nói, xin vua cha cho gọi người gẩy đàn. Vua đòi Thạch Sanh kể lại sự tình cho vua nghe, từ khi mồ côi cha mẹ, học phép tiên, kết bạn với Lý Thông, khi chém Ttrăn tinh, khi bắn đạ bàng, cứu công chúa và bị lấp cửa hang. Khi cứu con vua thuỷ tề, khi bị hồn yêu tinh vu oan giáo hoạ. 

Vua liền truyền lệnh hạ ngục mẹ con Lý Thông, và giao cho Thạch Sanh được toàn quyền xử định. Thạch Sanh thương tình cho hai mẹ con Lý Thông trở về làng, nhưng dọc đường hai mẹ con gặp trận mưa giông và cả hai đều bị sét đánh chết. 

Kế đó, vua cho Thạch Sanh kết hôn cùng công chúa, tin ấy truyền đi, thái tử mười tám nước chư hầu trước đã ôm hận vì bị công chúa ruồng rẫy, nay vua gả cho một thằng khố rách áo ôm, liền cất binh mã đến hỏi tội.Vua sai Thạch Sanh ra dẹp giặc. Khi giáp trận, Thạch Sanh lại đem cây đàn của mình ra gẩy. Tiếng đàn khi khoan khi nhặt, êm ấm lạ thường, khiến cho quân địch phải xúc động, người thì bồi hồi thương con, thương vợ, kẻ thì bâng khuâng nhớ tới quê hương ,không một ai còn nghĩ tới chiến đấu nữa. Thái tử mười tám nước chư hầu thấy thế khiếp sợ vội vàng xin hàng, Thạch Sanh dọn một liêu cơm nhỏ cho chúng ăn, nhưng chúng ăn mãi không hết. Chúng càng phục Thạch Sanh rập đầu lậy tạ kéo nhau về nước. 

Vua liền làm lễ nhường ngôi cho Thạch Sanh. Khi lên ngôi công việc đầu tiên của Thạch Sanh là xóa thuế, phóng thích tù nhân, và khuyến khích muôn dân trăm họ theo nghề nông trang.Từ đó, nhân dân mới được yên ổn làm ăn nhà nhà được no ấm đông vui.


Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CHIẾC ÁO TÀNG HÌNH, KHƠI GỢI TẤM LÒNG NHÂN HẬU TỐT BỤNG CHO BÉ



(Nhớ đọc bằng chất giọng diễn cảm cho bé nghe bạn nhé!)

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề làm. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng, ai cũng mến anh.

Ở Cao Bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái Nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm, anh không đánh bắt được mẻ cá nào. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông cụ gầy gò đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.

Một ngày kia, khi anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo lên núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên phiến đá. Ông cụ mải mê gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:

- Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?
Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:
- Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một lát.
Triều đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:
- Con có nhớ ta không?
- Có - Triều đáp ngay 
- Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?
- Đúng - Ông cụ trả lời - Hôm nọ, con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng này thật là hiếm có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.
Nói xong, cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.

Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đấy anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng của chúng, lấy gạo tiền rồi đem cho những người nghèo. Anh kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm lả bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy có những quan tiền trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra đánh giữa công đường thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại thì vẫn không hề tìm thấy ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có "con mắt".

Cứ như thế Triều đi khắp nơi và giúp đỡ người cùng khổ. Một hôm, anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đây cho thoả mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không "xuất đầu lộ diện" bao giờ.

Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đây là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi, lo lắng khi thấy tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.

Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó, hàng ngày anh lại vào kho nhà vua tiếp tục phận sự của mình.

Từ ngày thấy kho luôn bị hao hụt, nhà vua hết sức lo lắng .Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm bắt cho kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng nghi ngờ.
Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bươm bướm trắng ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại những đĩnh bạc trắng xoá, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên vua. Vua sai bỏ ngục để chờ xét xử.
Hồi ấy, có ông vua một nước láng giềng từ lâu vẫn ngầm nuôi mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục, thì hàng vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà vua đã cho quân đội ra chống giữ, nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:

- Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?
- Tâu bệ hạ - anh đáp, - chỉ cần một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.
Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh là Hộ quốc tướng quân, Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh.

Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ nghe tin anh được tha và phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.

Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu, bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ có việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống, không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng, cho là bên phía Đại Việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca ngợi công lao của Triều.

Lúc Triều kéo quân khải hoàn, vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất đai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Thiều. Ngày nay ở Cao Bằng có đền thờ Quan Thiều.

HÃY ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BÉ TRẢ LỜI BẠN NHÉ!

GOOD NIGHT! CHÚC BÉ NGỦ NGON!