Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH THẠCH SANH LÝ THÔNG, CÂU CHUYỆN CÁI THIỆN VÀ CHÂN LÝ LUÔN THẮNG, CÁI ÁC GẶP QUẢ BÁO



Ngày xưa ở Quận Cao Bình có vợ chồng Bác tiền phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con. Vợ chồng ngày đêm lo buồn, càng ra sức làm việc nghĩa, như khơi cống, đào mương, đắp đường, vét giếng, cùng lo nấu nước giúp cho người qua đường uống, để mong trời trông lại mà cho một mụn con. Quả nhiên, về sau Thạch Bà thụ thai, nhưng ba năm chưa đẻ. Giữa lúc đó, Thạch Ông mất, Thạch Bà sinh hạ một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh. Sau đó mấy năm, Thạch Bà cũng mất, Thạch Sanh từ đó sống côi cút trong một túp lều dưới gốc đa, chỉ có một cái khố che thân và một cái búa đốn củi. Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên xuống dạy chàng đủ các môn võ nghệ, mọi phép thần thông. 

Một hôm, có anh hàng rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đó ghé lại nghỉ chân. Thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lại mồ côi, có thể lợi dụng được, bèn kết nghĩa làm anh em, rồi đưa Thạch Sanh về nhà. 

Bấy giờ có một con trăn tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân mấy lần vây đánh nhưng nó nhiều phép thần thông, nên không ai làm gì được; nhà vua đành truyền lập miếu thờ, và cứ hàng năm phải nộp cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải đi nộp mình. Mẹ con nghe tin, hoảng hốt, bàn định mưu kế đưa Thạch Sanh đi chết thay. Chiều hôm đó Thạch Sanh đi đốn củi về thì Lý Thông đãi rượu, rồi bảo: 

-"Hôm nay có việc quan trọng, triều đình cắt phiên cho anh đi canh miếu thờ, ngặt vì anh trót cất mẻ rượu, sợ hỏng việc ở nhà; mong em chịu khó đi thay anh một đêm." Thạch Sanh không nghi ngờ gì cả, thuận đi ngay. 
Nửa đêm, giữa khu rừng, bỗng gió thổi cây rung, không khí lạnh buốt, Trăn tinh hiện ra, giơ vuốt nhe nanh, hà hơi tóe lửa, sấn đến định ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh, hoá phép đánh nhau với Trăn tinh, hồi lâu thì yêu quái bị giết chết, hoá ra một con trăn lớn. Thạch Sanh chặt lấy đầu mang về. Ðến nhà thì hết canh ba. Thạch Sanh gọi cửa, mẹ con Lý Thông ngỡ là hồn Thạch Sanh hiện về báo oán, ở trong nhà mẹ con cứ lạy lục, khấn vái mãi. Thạch Sanh mới rõ dã tâm của hai người cố tình đưa mình đến chỗ chết, nhưng Sanh tánh hiền lành, không giận, vui vẻ kể chuyện giết trăn cho mẹ con Lý Thông nghe. Lý Thông nghe xong, nảy ra một mưu thâm độc. Nó dọa Thạch Sanh rằng Trăn tinh là của nhà vua nuôi xưa nay, bây giờ giết đi, tất thế nào cũng bị tội chết. Rồi khuyên Thạch Sanh trốn đi, để hắn ở nhà kiếm cách thu xếp trở về thôn cũ ở gốc đa. Còn Lý Thông thì đêm ngày trẩy kinh, tâu vua đã trừ được Trăn tinh và hắn được Vua phong chức đô đốc.


Bấy giờ công chúa con vua muốn kén phò mã, bảng yết khắp dân gian, điệp gửi cùng các nước, nhưng không chọn được ai vừa ý. Một hôm công chúa đi dạo vườn hoa, bỗng con yêu tinh Ðại bàng sà xuống cắp đi mất. Tình cờ đại bàng bay ngang trên cây đa có Thạch Sanh đang ngồi thẫn thờ dưới gốc cây. Thạch Sanh thấy vậy, liền gương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Nhưng đại bàng rút tên ra rồi tiếp tục bay đi, Thạch Sanh lần theo vết máu đỏ, thấy đại bàng chui vào một cái hang rất kiên cố. Chàng đánh dấu lối vào hang và trở về. 

Khi nghe tin công chúa bị yêu quái cắp đi mất tích nhà vua đau lòng xót ruột, truyền cho lý Thông đi tìm, hứa tìm được sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Lý Thông vừa mừng vừa lo, bèn lập mưu mở hội hát xướng trong mười ngày, sức cho nhân dân đến xem mục đích để dò hỏi nghe ngóng tin tức. Tám chín ngày đã qua, mà không nghe ai nói một lời gì về chuyện đại bàng bắt người cả. Tin Lý Thông mở hội hát xướng đồn đến tai Thạch Sanh, chàng lần về thăm, gặp Thạch Sanh, Lý Thông tỏ mối lo không tìm được công chúa. Thạch Sanh thật thà mà kể lại về việc bắn trúng cánh chim. Lý Thông mừng lắm, lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường, mang lính đến nơi sào huyệt của yêu quái. Thạch Sanh tình nguyện xuống hang tìm công chúa hộ bạn. Quả nhiên gặp công chúa ở đó, Thạch Sanh bèn lấy thuốc mê, bảo công chúa đưa cho đại bàng uống. Ðoạn Thạch Sanh buộc công chúa vào dây, ra hiệu cho Lý Thông ở ngoài hang kéo lên. Xong chàng sửa soạn lên theo, nhưng Lý Thông đã ra lệnh cho quân lính lấp kín hang lại mất rồi. Giữa lúc đó thì đại bàng tỉnh lại. Thấy mất công chúa, hắn nổi giận lôi đình gầm lên, vách đá ầm ầm rung chuyển. Nhưng Thạch Sanh hoá phép đánh nhau với nó, cuối cùng đại bàng bị giết chết, Thạch Sanh mò tìm lối ra, đi đến một nơi, chàng thấy có một cũi sắt trong giam một người con trai. Thì ra đó là thái tử con vua Thủy Tề, bị đại bàng giam đã ngót một năm. Thạch Sanh lấy cung vàng bắn tan cũi sắt, cứu thái tử ra. Thái tử mời Thạch Sanh về thủy cung để vua cha được đền ơn. Vua Thủy Tề mừng lắm, tặng Thạch Sanh vô số vàng bạc châu báu, nhưng chàng đều từ chối không nhận, chỉ nhận lấy một cây đàn. Xong rồi từ giã vua và thái tử, lên trần gian, về chốn cũ ở gốc đa. 
Bấy giờ hồn Trăn tinh và Ðại bàng, khổ sở đói khát, đi thang lang, thất thểu, tình cờ gặp nhau, bèn bàn định mưu kế trả thù Thạch Sanh. Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm ngọc ngà châu báu, rồi mang về để ở gốc đa, chỗ của Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục. 

Nói về công chúa, từ khi lên khỏi hang, chờ Thạch Sanh lên. Thấy Lý Thông đã lấp mất cửa hang, uất ức lên mà hóa câm. Khi trở về cung, ai hỏi gì nàng cũng không nói. Vua buồn rầu sai Lý Thông lập đàn cầu nguyện, nhưng đàn lập đã một tháng mà công chúa vẫn không nói được. Kịp đến cho Thạch Sanh bị bắt giao cho Lý Thông xét sử, thì Lý Thông bèn định tâm giết đi cho khỏi lo ngại về sau. Ngồi trong ngục. Thạch Sanh buồn tình lấy đàn ra gẩy, Không ngờ cây đàn ấy lại là đàn thần. Gẩy đến đâu đàn kể lể đến đó, nó kể rõ đầu đuôi câu chuyện, nó tố cáo tội ác của Lý Thông, nó oán trách sự hờ hững của công chúa. Nó kêu lên, nó rền rĩ, ngân nga trong cung này đến cung nọ. Công chúa ngồi trên lầu, nghe tiếng đàn bỗng reo mừng, cười nói, xin vua cha cho gọi người gẩy đàn. Vua đòi Thạch Sanh kể lại sự tình cho vua nghe, từ khi mồ côi cha mẹ, học phép tiên, kết bạn với Lý Thông, khi chém Ttrăn tinh, khi bắn đạ bàng, cứu công chúa và bị lấp cửa hang. Khi cứu con vua thuỷ tề, khi bị hồn yêu tinh vu oan giáo hoạ. 

Vua liền truyền lệnh hạ ngục mẹ con Lý Thông, và giao cho Thạch Sanh được toàn quyền xử định. Thạch Sanh thương tình cho hai mẹ con Lý Thông trở về làng, nhưng dọc đường hai mẹ con gặp trận mưa giông và cả hai đều bị sét đánh chết. 

Kế đó, vua cho Thạch Sanh kết hôn cùng công chúa, tin ấy truyền đi, thái tử mười tám nước chư hầu trước đã ôm hận vì bị công chúa ruồng rẫy, nay vua gả cho một thằng khố rách áo ôm, liền cất binh mã đến hỏi tội.Vua sai Thạch Sanh ra dẹp giặc. Khi giáp trận, Thạch Sanh lại đem cây đàn của mình ra gẩy. Tiếng đàn khi khoan khi nhặt, êm ấm lạ thường, khiến cho quân địch phải xúc động, người thì bồi hồi thương con, thương vợ, kẻ thì bâng khuâng nhớ tới quê hương ,không một ai còn nghĩ tới chiến đấu nữa. Thái tử mười tám nước chư hầu thấy thế khiếp sợ vội vàng xin hàng, Thạch Sanh dọn một liêu cơm nhỏ cho chúng ăn, nhưng chúng ăn mãi không hết. Chúng càng phục Thạch Sanh rập đầu lậy tạ kéo nhau về nước. 

Vua liền làm lễ nhường ngôi cho Thạch Sanh. Khi lên ngôi công việc đầu tiên của Thạch Sanh là xóa thuế, phóng thích tù nhân, và khuyến khích muôn dân trăm họ theo nghề nông trang.Từ đó, nhân dân mới được yên ổn làm ăn nhà nhà được no ấm đông vui.


Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CHIẾC ÁO TÀNG HÌNH, KHƠI GỢI TẤM LÒNG NHÂN HẬU TỐT BỤNG CHO BÉ



(Nhớ đọc bằng chất giọng diễn cảm cho bé nghe bạn nhé!)

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề làm. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng, ai cũng mến anh.

Ở Cao Bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái Nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm, anh không đánh bắt được mẻ cá nào. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông cụ gầy gò đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.

Một ngày kia, khi anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo lên núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên phiến đá. Ông cụ mải mê gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:

- Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?
Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:
- Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một lát.
Triều đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:
- Con có nhớ ta không?
- Có - Triều đáp ngay 
- Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?
- Đúng - Ông cụ trả lời - Hôm nọ, con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng này thật là hiếm có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.
Nói xong, cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.

Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đấy anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng của chúng, lấy gạo tiền rồi đem cho những người nghèo. Anh kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm lả bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy có những quan tiền trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra đánh giữa công đường thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại thì vẫn không hề tìm thấy ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có "con mắt".

Cứ như thế Triều đi khắp nơi và giúp đỡ người cùng khổ. Một hôm, anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đây cho thoả mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không "xuất đầu lộ diện" bao giờ.

Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đây là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi, lo lắng khi thấy tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.

Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó, hàng ngày anh lại vào kho nhà vua tiếp tục phận sự của mình.

Từ ngày thấy kho luôn bị hao hụt, nhà vua hết sức lo lắng .Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm bắt cho kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng nghi ngờ.
Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bươm bướm trắng ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại những đĩnh bạc trắng xoá, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên vua. Vua sai bỏ ngục để chờ xét xử.
Hồi ấy, có ông vua một nước láng giềng từ lâu vẫn ngầm nuôi mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục, thì hàng vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà vua đã cho quân đội ra chống giữ, nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:

- Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?
- Tâu bệ hạ - anh đáp, - chỉ cần một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.
Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh là Hộ quốc tướng quân, Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh.

Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ nghe tin anh được tha và phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.

Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu, bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ có việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống, không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng, cho là bên phía Đại Việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca ngợi công lao của Triều.

Lúc Triều kéo quân khải hoàn, vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất đai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Thiều. Ngày nay ở Cao Bằng có đền thờ Quan Thiều.

HÃY ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BÉ TRẢ LỜI BẠN NHÉ!

GOOD NIGHT! CHÚC BÉ NGỦ NGON! 

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

SỰ TÍCH CON TRĂNG NHẢ NỌC, BÀI HỌC VỀ SỰ HUÊNH HOANG HỢM HĨNH



(Nhớ đọc bằng chất giọng diễn cảm cho bé nghe bạn nhé!)

Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng mới cưới. Một hôm, anh chồng dẫn vợ về thăm nhà bố mẹ. Đường xa, họ phải qua những cánh rừng rộng. Ở một quãng đường rừng hai người vừa đi qua có một con Trăn trườn ra liếm vào các vết chân của hai người trên đất. Thế là hai vợ chồng vừa về đến nhà bố mẹ thì lăn ra chết. Bố mẹ anh em họ hàng đều thương xót khóc than làm tang lễ. 

Con Trăn biết được uy lực gớm ghê của nọc độc mình nên rất hợm hĩnh. Nó hỏi con quạ: 
 - Này anh quạ, tôi nghe như trong làng có tiếng người kêu lao xao. Họ kêu gì vậy anh? 

Quạ biết Trăn có tính huênh hoang, bây giờ lại làm bộ không biết sự việc đó chính mình gây ra. Nó bảo trăn: 
- À, họ cười vui đấy anh Trăn! Chẳng là xưa nay người ta vốn sợ nọc độc của anh, anh chỉ liếm theo vết chân trên đất mà làm chết người được. Vậy mà vừa qua anh đã liếm vết chân của hai vợ chồng người ấy, nhưng người ta chẳng làm sao! Đấy, vì thế người ta đang cười vui với nhau. 

Trăn nghe quạ nói mà buồn nản và tự giận dỗi trong lòng. Nó nghĩ: 

- Hừ, nếu bây giờ nọc của ta không linh nghiệm như trước nữa, thì còn giữ nó làm gì? Phải nhả nó ra thôi, nhả hết! 

Và một bữa nọ, Trăn đã nhả hết độc của mình. Các con vật như Rắn, Rết, Bò cạp, Kiến đen, Tò vò, Ong bò vẽ… biết Trăn đã nhả nọc, chúng đua nhau đến hút lấy nọc độc của Trăn để làm sức mạnh cho mình. Một số con đến sớm hút đựơc nhiều nọc, số đến chậm đựơc ít, chậm nữa thì không kịp hútđựơc gì. Những con vật hút được nhiều nọc nhất là Rắn bông súng, Rắn đất, Rắn cá, Rắn chạc bò, Rắn đầu, Rắn cò, Rắn hoa bôi và Rắn bắt ngoé. Vì có quá nhiều nọc nên chúng mổ vào người cũng như không, không chết cũng không đau. Đấy là do nọc nhiều quá, nó chạy lung tung lạc khắp cả người nên loãng đi mất. Trái lại những con rắn hút được ít nọc hơn như Hổ Mang, Hổ Lửa, Hổ Trâu, Cạp nong… thì rất nguy hiểm. Chúng đã cắn vào ai thì khó chữa khỏi. Một số con vật khác như Cá Trê, cá Nọc, cá Chốt, cá Lăng, kiến Gánh, Rết, Ong… đến chậm chỉ còn chút nọc đủ bôi vào miệng, vào vòi… Quá lắm cũng chỉ có thể làm người ta đau buốt chút ít. Xui nhất chính là mấy chú cá Trâm bầu và cá Trắm đến muộn quá chẳng hút đựơc tí nọc nào, ức quá phát khóc đến sưng vù mặt mũi như ta thấy ngày nay. Cá Nheo thấy thế tức cười quá cười hoài đến nỗi rách cả miệng khiến cho miệng nó rộng như ngày nay như ta thấy, và môi thì trề ra như mỏ con vịt. 

Nhưng thua thiệt nhất vẫn là anh Trăn nhà ta. Chỉ có tính huênh hoang, hợm hĩnh mà bị chú Qụa đánh lừa, Trăn ta đã nhả hết nọc thiêng! Từ đó con người cũng hết lo gặp nguy hiểm vì loài Trăn nữa, Trăn đã trở nên loài vật hiền lành.

HÃY ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BÉ TRẢ LỜI BẠN NHÉ!

GOOD NIGHT! CHÚC BÉ NGỦ NGON! 

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH “CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI , AI MÀ ĐÁNH CÓC THÌ TRỜI ĐÁNH CHO”

Câu chuyện Cóc kiện Trời
(Nhớ đọc diễn cảm cho bé nghe bạn nhé!)

Ngày xửa ngày xưa, con cóc vẫn sần sùi xấu xí như ngày nay, nhưng cóc nổi tiếng giữa muôn loài là một con vật tuy bé nhỏ nhưng rất gan dạ. Gan cóc tía mà lại. Vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp. Nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ. Muôn loài không còn một giọt nước để uống. Các con vật to lớn hùng mạnh xưa nay tác oai tác quái trong rừng đều nằm lè lưỡi mà thở để đợi chết, không ai nghĩ được kế gì để cứu mình, cứu muôn loài. Sức mạnh của chúng chỉ để bắt nạt nhau thôi chứ đâu có thể làm gì nổi ông trời. Duy có anh chàng Cóc tía bé nhỏ, xấu xí kia là có gan to. Anh tính chuyện lên thiên đình kiện Trời làm mưa cứu muôn loài... Khởi đầu chỉ có một mình nhưng anh đâu có nản. Đi qua một vũng đầm khô, Cóc tía gặp Cua càng. Cua hỏi Cóc đi đâu. Cóc bèn kể rõ sự tình và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Ban đầu Cua định bàn ngang. Thà chết ở đây còn hơn chứ Trời xa thế đi sao tới mà kiện với tụng. Nhưng những con vật ở quanh Cua nghe Cóc nói lại tranh nhau mà bàn ngang bàn lùi, làm cho Cua nổi giận. Nói ngang bàn ngang là chuyện ngang của Cua thế mà họ lại dám tranh mất cái quyền ấy, cái quyền được phép ngang như cua cơ mà. Thế là Cua làm ngược lại, Cua tình nguyện cùng đi với Cóc.

Đi được một đoạn nữa, Cóc lại gặp Cọp đang nằm phơi bụng thở thoi thóp. Gấu đang chảy mỡ ròng ròng và khát cháy họng. Cóc rủ Gấu và Cọp đi kiện trời. Cọp còn lưỡng lự thì Gấu đã gạt đi mà nói rằng:
- Anh Cóc nói có lý, chẳng có lẽ chúng mình cứ nằm ở đây đợi chết khát cả ư... Ta theo anh Cóc thôi. Đến ngang như anh Cua còn theo anh Cóc được thì tại sao chúng mình không theo.
Cả bọn nhập lại thành đoàn. Đi thêm một chặng nữa thì gặp đàn Ong đang khô mật và con Cáo bị lửa nướng cháy xém lông. Cả hai con vật này cũng hăng hái nhập vào đoàn loài vật đi kiện Trời do Cóc dẫn đầu.

Cóc dẫn các bạn đi mãi, đi mãi đến tận cửa thiên đình. Khi đi trên đường cả bọn đều hăng hái nhưng đến trước cửa Trời oai nghiêm, bọn Cọp, Gấu, Cáo, Ong, Cua đều sợ, duy chỉ có Cóc là gan liền dõng dạc ra lệnh:
- Bây giờ các anh phải nghe lời tôi. Kia là chum nước của Trời, anh Cua vào nấp trong ấy. Anh Cáo nấp ở phía bên trái tôi, anh Gấu nằm ở phía bên phải tôi, còn anh Cọp chịu khó nằm đằng sau tôi. Các anh có nghe lệnh của tôi thì mới thắng được Trời.
Tất cả đều nghe lệnh của Cóc. Sắp đặt xong đâu đấy Cóc mới nhảy lên mặt trống đánh ba hồi ầm vang như sấm động.

Ngọc Hoàng đang ngủ trưa một cách lười biếng bị tiếng trống lôi đình đánh thức dậy nên bực tức, bắt Thiên Lôi ra xem có chuyện gì. Thiên Lôi lười biếng vội phủi bụi và mạng nhện giăng đầy trên lưỡi búa tầm sét cắm cổ chạy ra. Thiên Lôi ngạc nhiên vì ở ngoài cửa thiên đình chẳng thấy có một người nào cả chỉ thấy mỗi một con Cóc xù xì xấu xí đang ngồi chễm trệ trên mặt trống của nhà Trời. Thiên Lôi hết nhìn con Cóc lại nhìn lưỡi búa tầm sét khổng lồ của mình và thở dài vì cái búa to quá mà Cóc bé quá, đánh chưa chắc đã trúng được. Thiên Lôi bèn cắm cổ vào tâu Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nghe xong bực lắm bèn sai con gà trời bay ra mổ chết chú Cóc hỗn xược kia.
Gà trời vừa hung hăng bay ra thì Cóc đã nghiến răng ra hiệu, lập tức chàng Cáo nhảy ra cắn cổ gà tha đi mất. Cóc lại đánh trống lôi đình. Ngọc Hoàng càng giận giữ sai Chó nhà trời xổ ra cắn Cáo. Chó vừa xồng xộc chạy ra thì Cóc lại nghiến răng ra hiệu. Lập tức anh Gấu lừng lững xổ ra đón đường tát cho Chó một đòn trời giáng. Chó chết tươi.

Cóc lại thúc trống lôi đình đánh thức Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng bèn sai Thiên Lôi ra trị tội gấu. Thiên Lôi là vị thần trời có lưỡi tầm sét mỗi lần vung lên thì thành sét đánh ngang trời, thành sấm động bốn cõi. Sức mạnh của Thiên Lôi không có ai bì được. Ngọc Hoàng yên trí lần này cử đến ông Thiên Lôi ra quân thì cái đám Cóc, Cáo ắt hẳn là tan xác. Vì thế khi ông Thiên Lôi vác lưỡi tầm sét đi là Ngọc Hoàng lại co chân nằm trên ngai vàng mà ngủ tiếp.

Thiên Lôi vừa hùng hổ vác búa tầm sét ra đến cửa thiên đình thì Cóc đã nghiến răng ra lệnh, lập tức chàng Ong nấp trên cánh cửa bay vù ra và cứ nhè vào mũi Thiên Lôi mà đốt. Nọc ong đốt đau lắm, mũi Thiên Lôi rát như phải bỏng. Nhớ là ở cửa trời có một chum nước. Thiên Lôi vội vàng vứt cả búa tầm sét nhảy ùm vào chum nước chạy trốn. Nào ngờ vừa nhảy ùm vào trong chum nước thì anh Cua càng nấp trong đó từ bao giờ đã chờ sẵn để giương đôi càng như đôi gọng kìm cắp chặt lấy cổ. Thiên Lôi đau quá gào thét vùng vẫy vỡ cả chum nước nhà Trời. Thiên Lôi tìm đường chạy trốn thì Cóc tía lại nghiến răng ra lệnh. Lập tức Cọp nấp sau Cóc tía nhảy bổ ra gầm lên một tiếng vang động xé tan xác Thiên Lôi thành hai mảnh.

Ngọc Hoàng thấy thế sợ quá bèn xin giảng hoà với Cóc, và xin Cóc cho nhận lại xác của Thiên Lôi để cứa chữa. Cóc bằng lòng ngay. Theo lệnh nghiến răng của Cóc, Cọp và Gấu vác xác Thiên Lôi về xếp lại ở giữa sân điện thiên đình. Ngọc Hoàng phải ra tay làm phép tưới nước cam lồ vào cái xác đầy thương tích đó. Nhờ phép của Ngọc Hoàng, Thiên Lôi mới được sống lại. Ngọc Hoàng nghĩ mình đường đường là một ông Trời mà lại chịu thua Cóc thì thật là điều sỉ nhục, nên tính lật lọng, sai Thiên Lôi vác búa tầm sét chống lại Cóc và các bạn của Cóc. Biết thế nào Ngọc Hoàng cũng tính chuyện lật lọng nên Cóc lại nghiến răng. Lập tức các bạn của Cóc dàn trận. Ong giương nọc, Cáo giương nanh, Cọp giương vuốt, Cua giương càng, Gấu giương cánh tay đầy sức mạnh... Thiên Lôi vừa mới thoát chết hoảng quá lui lại không dám tiến lên, mà thụt vào nấp sau chiếc ngai vàng của Ngọc Hoàng. Các tướng nhà Trời oai phong lẫm liệt thấy đến ông Thiên Lôi còn sợ sệt như thế thì hoảng quá tìm kế thối lui.

Thấy tướng nhà trời của mình như vậy, Ngọc Hoàng biết không thể thắng nổi Cóc và các bạn của Cóc. Đến lúc bấy giờ Ngọc Hoàng mới thực bụng giảng hoà, và hỏi Cóc lên tận thiên đình có việc gì. Cóc oai phong nhảy hẳn lên tay ngai vàng và dõng dạc thưa:
- Đã bốn năm nay ở dưới trần gian hạn hán kéo dài, không một giọt mưa. Muôn cây khô héo, vạn vật chết khát... Tưởng Ngọc Hoàng bận gì hoặc là Ngọc Hoàng giận gì trần gian mà ra phúc hoạ, ai ngờ lên đây mới biết Ngọc Hoàng và các tướng nhà trời ngủ quên không nhớ đến việc làm mưa cứu muôn vật muôn loài dưới trần thế... Chúng tôi phải lên tận đây đánh thức Ngọc Hoàng, xin Ngọc Hoàng làm mưa ngay cho trần gian được nhờ.

Thấy Cóc nói giọng oai phong và bạn bè Cóc lại đằng đằng sát khí, Ngọc Hoàng vội cuống quýt chống chế:
- Cóc với ta là chỗ thân thích, việc gì mà cậu phải mất công đến như vậy, ta sẽ sai thần mưa, thần gió xuống hạ giới làm mưa ngay bây giờ... Cậu Cóc có bằng lòng thế không nào.
Cóc gật gù thưa:
- Muôn tâu Ngọc Hoàng, trần gian được một trận mưa cứu khát thì còn gì bằng nữa... Anh em tôi vô cùng đội ơn Ngọc Hoàng... Nhưng nếu ở hạ giới mà hễ bị hạn hán là bọn anh em chúng tôi lại lên đây kêu với Ngọc Hoàng đấy.
Nghe Cóc hẹn lại lên thiên đình, Ngọc Hoàng hoảng hồn rối rít lắc đầu xua tay:
- Thôi khỏi, thôi khỏi phải bận đến cậu như thế... Chỗ cậu và ta là tình thân thích, cậu chả nên bầy vẽ vất vả mệt nhọc như vậy làm gì. Cậu không phải lên thiên đình nữa... Khi nào có hạn hán cậu muốn ta làm mưa, cậu chỉ cần ngồi dưới đất nghiến răng là ta nghe thấy liền.

Để chứng tỏ lòng thành thật không lật lọng của mình, Ngọc Hoàng sai rồng đen bay xuống phun mưa, và đưa Cóc cùng các bạn về hạ giới. Cơn mưa cứu hạn làm cây cối tươi tốt, muôn loài nhảy múa chào đón anh em Cóc trở về. Từ đó hễ Cóc nghiến răng là trời lập tức đổ mưa; nên đồng dao của trẻ nhỏ ngàn năm vẫn có câu hát rằng:

"Con Cóc là cậu ông Trời

Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho"

HÃY ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BÉ TRẢ LỜI BẠN NHÉ!
GOOD NIGHT!



Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

CHUYỆN CỔ TÍCH: "DÃ TRÀNG XE CÁT BỂ ĐÔNG NHỌC LÒNG MÀ CHẲNG NÊN CÔNG CÁN GÌ"


(Nhớ đọc theo giọng diễn cảm cho bé nghe bạn nhé!)

Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang. 
Một hôm, con rắn chồng bò ra khỏi hang một mình. Ông nhìn vào, thấy rắn vợ nằm cuộn ở trong. Vì mới lột nên mình mẩy của nó yếu ớt không cựa quậy được. Một lúc lâu rắn chồng bò trở về, miệng tha một con nhái đút cho vợ ăn. 

Ít lâu sau. Dã Tràng lại thấy rắn vợ bò ra khỏi hang một mình. Lần này rắn chồng đến kỳ lột, nằm im thiêm thiếp, lốt da cũ còn bỏ lại bên hang. Hồi lâu, rắn vợ trở về, theo sau một con rắn đực khác khá lớn. Dã Tràng thấy hai con bò đến cửa hang thì dừng lại rồi quấn lấy nhau như bện dây thừng. Một lát sau, con rắn đực một mình bò vào hang. Dã Tràng biết con rắn đực này toan làm gì rồị Ổng cảm thấy ngứa mắt, muốn trừ bỏ con rắn đó đi để cứu con rắn chồng đang lúc suy nhược. Lúc đó bên mình không có cái gì cả, ông bèn rút một mũi tên nhằm con rắn đực mới đến, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất. Dã Tràng nghĩ cũng thương con rắn cái, nhưng trong cái thương có lẫn cả giận, nên ông chán nản bỏ đi về nhà. Từ đó ông không thèm để ý đến hang rắn nữạ Chừng dăm bảy ngày sau, một hôm Dã Tràng nằm võng thuật chuyện vợ chồng con rắn cho vợ nghe và vui miệng, ông kể luôn những việc mình đã thấy và đã làm. Ông kể vừa dứt lời thì bỗng nghe trên máng nhà có tiếng phì phì. Cả hai người hốt hoảng nhìn lên thì thấy có một con rắn hổ mang rất lớn, đuôi quấn lấy xà nhà, đầu vươn gần chỗ ông nằm, miệng nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói: 

- Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi. Nhưng hồi nãy nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe nàỵ Đeo nó vào mình thì có thể nghe được mọi tiếng muông chim ở thế gian. 
Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rờị 

Một hôm, Dã Tràng đang hái rau, tự dưng có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau nói chuyện lao xao. Chúng nó bảo Dã Tràng như thế này: "Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với". Dã Tràng làm theo lời quạ, quả thấy xác một con dê trên núi Nam. Ông xẻo lấy một ít thịt xâu lại xách về. Đến nhà, ông vội mách cho xóm giềng biết mà đi lấy, không quên dặn họ để bộ ruột dê lại cho bầy quạ. Nhưng ông không ngờ người trong xóm nghe tin ấy, đua nhau đi đông quá, thành ra họ lấy tất cả, chẳng chừa một tí gì.

Lũ quạ không thấy ruột dê, cho là Dã Tràng đánh lừa, bèn đổ xô đến vườn ông réo om sòm. Thấy vậy ông biết là người trong xóm đã làm hại mình, không giữ chữ tín với bầy quạ. Ông phân trần mấy lần nhưng bầy quạ không nghe, cứ đứng đó chửi mãi

Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn vào chúng. Chủ ý là để đuổi chúng đi chứ không định giết. Chẳng ngờ bầy quạ thấy vậy cho là ông lấy oán trả ân, liền cắp mũi tên có tên Dã Tràng ở đuôi, tìm dịp báo thù. Lúc bay qua sông, thấy một cái xác chết trôi, đàn quạ bèn đem mũi tên ấy cắm vào yết hầu xác chết. Khi quan sở tại đến làm biên bản, thấy mũi tên, liền đoán Dã Tràng là thủ phạm, sai lính bắt ông, hạ ngục. 

Dã Tràng bị bắt bất ngờ, hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cớ sờ sờ làm cho ông đuối lý, đành chịu chui đầu vào gông. Tuy nhiên, ông vẫn một mực xin quan xét giải ông về kinh để vua phân xử. 

Từ đề lao tỉnh, ông bị điệu đi. Dọc đường trời tối, bọn lính dừng lại quán ăn uống và nghỉ ngơi. Dã Tràng cổ bị gông, chân bị xiềng nằm trên đống rơm buồn rầu không ngủ được. Lúc trời gần rạng, ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện với nhau: 

- Nhanh lên ! Chuyến này sẽ không lo đói nữa mà cũng chả sợ ai đánh đuổi cả. 
Một con khác hỏi: 
- Của ai mang đến bỏ vương vãi như thế? 
Con nọ trả lời: 
- Của Vua nước bên kia. Họ toan kéo sang đánh úp bên nàỵ Ngày hôm qua, quân đội giáo mác kéo đi liên miên không ngớt. Nhưng xe thóc vừa sắp đến biên giới thì bị sụp hầm đổ hết. Họ đang trở về lấy thứ khác cho nên chúng ta tha hồ chén. 

Nghe đoạn, chờ lúc bọn lính thúc dục lên đường, Dã Tràng bảo họ: 
- Xin các ông bẩm lại với quan rằng việc oan uổng và nhỏ mọn, không nên bận tâm, mà giờ đây chỉ nên lo việc quốc gia trọng đại thôi, và còn cấp bách nữa là khác.
Bọn lính tra gạn ông mãi nhưng ông không nói gì thêm, chỉ nài rằng hễ có mặt quan, mình mới tỏ bày rõ ràng.

Khi gặp mấy vị quan đầu tỉnh, Dã Tràng liền cho họ biết rằng Hiến Đế ở phương bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì bị sụp hầm, xe lương đổ hết, chưa tấn công được. Bây giờ họ đang vận thêm lương, chờ đầy đủ sẽ vượt cửa ải sang Nam. Bọn quan tỉnh lấy làm lo lắng nhưng cũng cố hỏi ông có dám chắc như vậy không. Dã Tràng chỉ vào đầu mình mà đoan rằng nếu có sai, ông sẽ xin chịu chết. Nhưng nếu lời của ông đúng thì xin bề trên thả ra cho. Ngay lúc đó, những tên quân do thám được tung đi tới tấp mọi ngõ để lấy tin. Và nội ngày hôm sau, Dã Tràng được thả vì lời mách của ông quả không sai và vừa vặn đúng lúc để chuẩn bị đối phó với địch. 

Được tha, Dã Tràng đi bộ lần về quê nhà. Bóng chiều vừa ngả, ông mới đến vùng Hồng Hoa. Ông tìm vào nhà người bạn rất thân là Trần Anh nghỉ chân. 

Gặp lại bạn cũ, vợ chồng Trần Anh vui mừng khôn xiết. Nghe tin ông bị tra tấn giam cùm và suýt mất đầu, hai vợ chồng rất cảm thương bạn. Thấy bữa ăn tối thết bạn không có gì, Trần Anh xuống bếp bảo vợ: 
- Bạn ta đến, lại gặp lúc trong nhà chả có gì ăn. Sẵn có cặp ngỗng, con nó đã khôn, ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường. 

Người vợ bằng lòng nhưng dặn chồng sáng sớm bắt ngỗng và cắt tiết vặt lông giúp mình một tay. 
Trong khi hai vợ chồng bàn tính thì cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện. Ngỗng trống bảo ngỗng mái: 
- Mình ơi ! Mình hãy ở lại nuôi con, tôi sẽ đứng sẵn cho chủ nó bắt. Ngỗng mái không nghe, xin chết thay cho chồng. Nhưng ngỗng trống nhất quyết hy sinh, nên chạy ra sân từ giã đàn con: 
- Con ơi ! Các con ở lại với mẹ nghe. Cha sẽ không bao giờ gặp lại các con nữạ 
Song ngỗng mái vẫn lạch bạch chạy theo, đòi chết thay chồng cho bằng được. 

Lúc bấy giờ Dã Tràng nằm trên bộ ván đặt kề cửa sổ nên nghe được tiếng ngỗng than thở. Ông bỗng thấy thương con vật vô tội chỉ vì mình mà phải lìa đàn con bé bỏng. Ông toan nói trước với bạn, nhưng thấy bất tiện. Ông đành nghe ngóng ở chỗ chuồng ngỗng chờ lúc bạn ra bắt thì sẽ cản lạị.

Suốt đêm hôm đó tuy mệt mà ông không dám ngủ. Quả nhiên, vào khoảng canh tư, Trần Anh thức dậy bước ra chuồng. Ngỗng trống xua ngỗng mái chạy rồi vươn cổ để cho bắt. Trần Anh sắp cắt cổ ngỗng thì Dã Tràng đã lật đật chạy xuống bếp nắm lấy đao. Ông nói: 
- Xin bạn thả nó ra. Tính tôi không hay sát sinh. Tình thân của đôi ta lọ phải cỗ bàn mới thân. Nếu bạn giết nó thì tôi lập tức đi khỏi chỗ này.

Thấy bạn có vẻ quả quyết, Trần Anh đành thả ngỗng ra, rồi giục vợ chạy đi mua tép về đãi bạn. 
Cơm nước xong, Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà. Đến ao, ông đã thấy vợ chồng ngỗng cùng với bầy con đứng chực ở đấỵ Ngỗng đực tặng Dã Tràng một viên ngọc và nói: 
- Đa tạ ân nhân cứu mạng. Không biết lấy gì báo đền, chúng tôi xin tặng người viên ngọc này, mang nó vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ. Nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển. 

Ngỗng lại nói tiếp: 
- Còn như con tép là vật đã thế mạng chúng tôi thì từ nay, dòng dõi chúng tôi sẽ xin chừa tép ra không ăn, để tỏ lòng nhớ ơn ! 

Dã Tràng không ngờ có sự báo đáp quá hậu như thế, sung sướng nhận lấy ngọc rồi về. 
Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần đi xuống nước. Thì lạ thay, nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông. Ông dạo cảnh hồi lâu rồi cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần để thử xem thế nào.

Hôm đó, Long Vương và các triều thần đang hội họp ở thủy phủ bỗng thấy nhà cửa lâu đài và mọi kiến trúc khác bỗng nhiên rung động, cơ hồ muốn đổ. Ai nấy đều nháo nhác không hiểu duyên cớ. Vua lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình. 

Bộ hạ Long Vương theo con đường sóng ngầm lọt vào cửa sông thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Mỗi lần khoắng như thế, họ cảm thấu xiêu người nhức óc. Tuy biết đích là thủ phạm, họ cũng không dám làm gì, chỉ tiến đến dùng lời nói khéo mời ông xuống chơi thủy phủ. 

Gặp Long Vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long Vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mặt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa ! Vì thế, Long Vương đãi Dã Tràng rất hậụ Ông muốn gì có nấỵ Cho đến lúc ông ra về, Long Vương còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều để mong nể mặt. 

Dã Tràng lên khỏi nước có bộ hạ của Long Vương tiễn chân về tới tận nhà mới trở lạị Bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông. Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ. 

Một hôm Dã Tràng đi bộ nửa ngày đường đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội vàng quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông thấy không thể nào an tâm ngồi ăn được. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên thấy ông vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã vội cáo từ về ngay. 

Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả. Ông rụng rời cả ngườị Đi tìm vợ, vợ cũng không thấy nốt. Nóng ruột, ông lục lọi khắp nơi. Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ ông viết để lại gài ở chỗ treo áọ Trong đó, vợ ông nói rằng có người của Long Vương lên bảo cho biết hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long Vương thì sẽ được phong làm hoàng hậụ Bởi vậy bà ta đã trộm phép ông, đưa túi ngọc xuống thủy phủ rồi, không nên tìm làm gì cho mệt. Đọc xong thư vợ. Dã Tràng ngất đi. Ông không ngờ vợ ông lại có thể như thế được. Ông cũng không ngờ âm mưu của Long Vương thâm độc đến nước ấỵ Nghĩ đến hai thứ bảo vật, ông tức điên ruột. Sau cùng, ông dự tính chở cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ cả đường lối đến cung điện của Long Vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được. Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con Dã Tràng ngày ngày xe cát để lấp biển.

Tục ngữ có câu: 
“Dã Tràng xe cát biển Đông. 
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.”

Hay là: 
“Công Dã Tràng hàng ngày xe cát, 
Sóng biển dồn tan tác còn chi.” 

Hay là: 
Con còng còng dại lắm không khôn. 
Luống công xe cát sóng dồn lại tan.”

Người ta nói ngày nay loài ngỗng sở dĩ không bao giờ ăn tép là vì chúng nó nhớ ơn loài tép đã thế mạng cho tổ tiên mình ngày xưa. Họ còn nói loài ngỗng có một cái mào trắng trên đầu là dấu hiệu để tang cho Dã Tràng để nhớ ơn cứu mạng.

BẠN ƠI, NHỚ ĐỪNG QUÊN ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BÉ TRẢ LỜI NHÉ! 

GOOD NIGHT!

GIỚI THIỆU BLOG “KỂ CHUYỆN HÀNG ĐÊM CHO BÉ NGHE”


Gửi Bạn,

Rất cám ơn các bạn đã ghé qua xem Website này của tôi!

Tôi cũng là một người con, người anh, người chồng và người cha nên rất thông hiểu nhu cầu của các em nhỏ cần nghe kể chuyện hàng đêm.

Thật thú vị khi phát hiện ra nhu cầu này, và tôi quyết định xây dựng một Blogg chuyên về “Kể Chuyện Bé Nghe” www.KeChuyenBeNghe.BlogSpot.com từ những câu chuyện mình góp nhặt được từ kho tàng tri thức Việt Nam và Thế giới. Tôi xem Blogg này như một bộ sưu tập cho chính mình và tặng các bạn vì trước đó tôi dã trải nghiệm qua việc kể chuyện cho con mình nghe rồi. Và tôi nhận thấy trong xã hội hiện đại với đầy rẫy những thông tin, hình ảnh trên Youtube, Games, truyện, sách điện tử … nhưng trên hết, các em nhỏ vẫn cần những câu chuyện gần gũi của ông bà, cha mẹ, anh chị đọc cho be nghe thường xuyên và hàng ngày.

Qua những câu chuyện cổ tích hay suy ngẫm giúp bé định hình cho bé một tính cách, nhân cách tốt. Thật tuyệt vời nếu chúng ta đưa những câu chuyện mang tính giáo dục để định hướng suy nghĩ tích cực cho con em mình từ rất sớm.

Chỉ cần 1 điện thoại kết nối với 3G, hàng đêm vào lúc 9h tôi mở mạng lên bé gối đầu lên tay tôi và tôi kể cho bé nghe các câu chuyện về Thánh Gióng, Ăn Khế Trả Vàng, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Chuyện Dã Tràng, Thạch Sanh Lý Thông, Rùa và Thỏ, Con Cóc Là Cậu Ông Trời … điều này thật hạnh phúc phải không bạn? Và tôi hạnh phúc hơn khi bé kể lại vanh vách chính xác từng từ lại cho Ông bà nội nghe, cô giáo và các bạn nghe (chú bé nhà tôi nay 5 tuổi). Điều này thành thói quen, mỗi khi 9h tối là tôi phải về nhà, có những lúc vì phải đi công tác bé con tôi gọi điện bảo ba phải kể chuyện cho bé nghe ngay trên điện thoại.

Tôi làm được và tôi tin các ông bố như tôi cũng làm được vậy, thậm chí các bạn sẽ làm tốt hơn tôi nữa. Chúng ta sẽ bớt la cà rượu chè mà gần gũi con trẻ nhiều hơn bạn nhé! Sự gắng kết giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng. Đó là tương lai của của chúng ta mà! phải không các bạn?

Và bài viết này để giới thiệu và khuyến khích cha mẹ như chúng ta hãy quan tâm con cái nhiều hơn chứ không ý gì khác. Rất mong những bạn có những câu chuyện cổ tích hay gửi tặng lại tôi theo địa chỉ Email NguyenQuocThoai@gmail.com

Xin cảm ơn!

Bình Dương, ngày 18 tháng 09 năm 2012.
Nguyễn Quốc Thoại